Trang Thông tin điện tử

Thị trấn Bình Minh - Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 09/05/2024

Phát huy truyền thống ngành Phát thanh truyền thanh

Thứ năm, 12/09/2019

Phát huy truyền thống ngành Phát thanh truyền thanh.

Huyện Kim Sơn ra đời cách đây 190 năm bởi công cuộc khẩn hoang của nhà dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ và các vị chiêu mộ, bán phụ chiêu mộ. Hành trình trong 190 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay huyện miền biển Kim Sơn đã từng bước vươn mình, diện mạo nông thôn được khởi sắc, trong sự đổi thay đó có một phần đóng góp không nhỏ của ngành Phát thanh truyền thanh huyện nhà.

 

Có lẽ từ khi người dân Việt Nam được nghe tiếng đài phát đi từ Thủ đô Hà Nội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào 11 giờ 30 phút ngày 7 tháng 9 năm 1945, với lời khẳng định “ Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” và cho đến nay thì Đài phát thanh lúc nào cũng là một kênh thông tin quan trọng, bởi tính chất phát thanh là nhanh chóng, kịp thời và tiện lợi. Chiếc Radio không còn xa lạ với đời sống thường ngày, với mọi tầng lớp công chúng, từ thành thị cho đến những vùng nông thôn hẻo lánh.

 

Ơ huyện Kim Sơn, chỉ sau hơn 1 năm hòa bình (1954), một số đồng bào công giáo đã bị kẻ địch và bọn phản động lợi dụng tôn giáo cưỡng ép, dụ dỗ di cư vào Nam. Đồng bào lương cũng như giáo ở khắp nơi trong huyện đều sống trong bầu không khí hoang mang dao động. Trước yêu cầu tuyên truyền, giải thích chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng cho nhân dân, tháng 01 năm 1956, Trạm Truyền thanh Phát Diệm được thành lập với 01 máy tăng âm 100W, 4 loa 25W. Sau đó được Liên Xô viện trợ có thêm máy phát điện, công suất máy tăng âm, số loa tăng lên, kéo dài dường dây  trên 10km và là 1 trong 2 Đài được thành lập sớm nhất Miền Bắc. Nhiều loa công cộng, nhiều nhà dân được tiếp cận kịp thời với các thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật và các hoạt động chỉ đạo của huyện. Trạm truyền thanh đã góp phần động viên các tầng lớp nhân dân một lòng một dạ tin theo Đảng, góp phần làm ổn định tình hình chính trị ở Huyện. Trạm Truyền thanh Phát Diệm thành lập khởi đầu cho sự nghiệp truyền thanh Ninh Bình bắt đầu từ đó.

 

Trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hệ thống truyền thanh toàn huyện đã phát huy tác dụng, truyền thông có hiệu quả 2 nhiệm vụ chiến lược, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, của huyện đến được với người dân một cách kịp thời, nhanh chóng. Qua tiếng nói các loa công cộng đã cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy và nhân lên truyền thống, sức mạnh của nhân dân huyện Kim Sơn vừa sản xuất, vừa trực tiếp chiến đấu, xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến với quyết tâm "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trong đạn bom của giặc Mỹ, qua hệ thống truyền thanh, người Kim Sơn ở hậu phương được dõi theo bước chân của con em mình, của những Đoàn quân giải phóng trên các chiến trường. Và phải nói chưa bao giờ nhân dân lại khát khao nghe tin chiến thắng ở cả 2 miền Nam Bắc như thời kỳ đó. Những năm 1972, ở các khu dân cư, nơi nào cũng có loa truyền thanh vang vọng, xóm làng nhộn nhịp, lòng người phấn khởi. Nhà báo Úc Bớt - xét một lần về Ninh Bình, khi đến thăm một số làng ở huyện Kim Sơn bị bom mỹ tàn phá, đến đâu cũng nghe thấy tiếng loa truyền thanh, đã thốt lên: “ Ở đây, như không có chiến tranh”.

 

Một cụm loa bên bờ Hiền Lương. Ảnh tư liệu

                           

Tại Bảo tàng Vĩnh Linh, chiếc loa to đường kính gần 2 m với dòng chú thích: “Loa phóng thanh có công suất 500W được dùng di động trên bờ Bắc sông Bến Hải...”, Chiếc loa ấy một thời đã cùng hàng ngàn chiếc loa khác khuấy động dòng Bến Hải trong cuộc chiến tuyên truyền đòi đấu tranh thống nhất nước nhà

 

Hòa bình lập lại, công tác tuyên truyền cũng đã phát triển theo sự phát triển chung của xã hội. Việc tuyên truyền đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương, thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ huyện, tiếng nói của chính quyền, diễn đàn của nhân dân trong huyện.

 

Năm 1977, sự nghiệp Truyền thanh toàn quốc được chuyển đổi theo phương án tổ chức mới, hình thành hệ thống ngành dọc từ Trung Ương xuống các địa phương. Ở Trung ương có Ủy ban phát thanh truyền hình, ở địa phương có Đài Phát thanh Tỉnh, Đài phát thanh huyện, thị và cơ sở. Hình ảnh truyền thanh hóa toàn huyện, loa truyền thanh đến từng nhà không còn nữa. Thực hiện chương trình mục tiêu xóa trắng truyền thanh, đưa truyền thanh phục vụ vùng sâu, vùng xa, ven biển, vùng giáo dân tập trung. Khởi đầu từ những năm 1976, Đài truyền thanh xã Chất Bình thành lập, sau đó từ những năm 1982- 1997 với sự quan tâm của chính quyền địa phương đã đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo đến nay 27/27 xã, thị trấn trong huyện có Đài phát thanh và hoạt động tương đối hiệu quả.

 

Buổi truyền thanh trực tiếp của phóng viên, kỹ thuật viên Đài Truyền thanh huyện

 

Đội ngũ cán bộ phóng viên,  kỹ thuật viên Đài  huyện đảm bảo về số lượng và trưởng thành trong nghiệp vụ chuyên môn, cán bộ luôn rèn luyện, học hỏi, thường xuyên đổi mới tư duy cách viết, cách truyền đạt. Thông qua các kỳ liên hoan Phát thanh Ninh Bình, Đài huyện liên tục đạt các giải A, B về tập thể và cá nhân, chứng tỏ bản lĩnh, chuyên môn và sự lớn mạnh, trưởng thành của Đài huyện qua các thời kỳ. Năm 2017 đến nay liên tục được tặng Cờ thi đua, Bằng khen của UBND tỉnh, nhiều cá nhân được tặng Bằng khen của Đài tiếng nói Việt Nam, UBND tỉnh, Giấy khen UBND huyện, Đài PTTH Ninh Bình… Cơ sở vật chất, trang thiết bị truyền thanh được huyện quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ, từ những năm 2000, Đài huyện đã chuyển đổi từ sản xuất chương trình phát thanh số sang sản xuất bằng máy tính, từ ghi băng catsset sang ghi đĩa CD và hiện giờ chuyển qua mạng internet

 

Đối với Đài cơ sở được quan tâm xây dựng, đảm bảo mỗi đài có từ 2-4 cán bộ, thiết bị truyền thanh tuy còn thiếu thốn, xong nhiều Đài đã được đầu tư hệ thống máy tính sản xuất chương trình phát thanh, thay mới toàn bộ hệ thống thiết bị, hoặc thường xuyên duy tu, bổ dưỡng, nâng cấp.

 

 

Phóng viên Đài Truyền thanh huyện tác nghiệp

 

Với mục tiêu là tạo ra sức sống cho làn sóng phát thanh, trong giai đoạn hiện nay, Đài Truyền thanh huyện luôn xác định phải liên tục đổi mới nội dung, hình thức thể hiện các chương trình phát thanh theo hướng mới mẻ, hấp dẫn, thân mật và gần gũi với công chúng, giúp cho thính giả luôn được tiếp cận với những thông tin mới mẻ, hấp dẫn, kịp thời và lôi cuốn nhất. Với phương châm nói cho người ta nghe và diễn đạt cho người ta hiểu, theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ- Tổng giám đốc Đài Tiếng nói việt Nam thì “ để chạm tới trái tim thính giả đòi hỏi người làm phát thanh phải có được những câu chuyện, những chi tiết, những nhân vật điển hình trong cuộc sống đời thường, phải kể sao để người nghe không những hiểu mà còn được cảm, được vui, được buồn, được động viên, được chia sẻ” cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên Đài Kim Sơn phải ra sức cố gắng, đi sâu vào hướng chuyên biệt hóa cao, tăng tính tương tác với thính giả, hướng tới các tuyến tin, bài đảm bảo “ nhanh nhạy, tin cậy, hấp dẫn”, để không hổ thẹn với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội III, hội nhà báo Việt Nam 8/9/1962 “Cán bộ Báo chí cũng là chiến sỹ Cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức Cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ văn hóa, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động…”

 

Bài, ảnh: Duy Sang

 Nguồn: Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 53509

Trực tuyến: 2

Hôm nay: 2