Trang Thông tin điện tử

Thị trấn Bình Minh - Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 08/05/2024

Chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Thứ tư, 04/03/2020

1.  Nguồn bệnh và đường truyền lây

a) Loài mắc: các loài gia cầm như gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, bồ câu, đà điểu, chim hoang dã và động vật có vú thuộc mọi lứa tuổi. Đặc biệt, vi rút có thể gây bệnh cho người.

b) Nguồn bệnh: Vi rút có trong hầu hết các cơ quan nội tạng của động vật mắc bệnh, có nhiều trong phân, dịch tiết như nước mũi và nước bọt của con vật mắc bệnh.

Trong thiên nhiên, các loài chim di trú, thủy cầm mang chủng vi rút cúm là nguồn lây lan dịch bệnh chủ yếu.

c) Đường truyền lây: Trong cơ thể gia cầm mắc bệnh, vi rút cúm được nhân lên trong đường hô hấp và đường tiêu hóa, sau đó được bài thải qua phân, nước mũi và nước bọt.

2.  Triệu chứng lâm sàng

Gia cầm mắc bệnh thường bị chết đột ngột và không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tỷ lệ chết có thể lên tới 100% tổng đàn trong vòng vài ngày. Gia cầm đi không bình thường, loạng choạng, lắc đầu, run rẩy, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám; có các biểu hiện ở đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi, hắt hơi, thở khò khè, viêm xoang, sưng viêm mí mắt, chảy nhiều nước mắt, nhiều con sưng khớp; sưng phù đầu và mặt, sưng mí mắt, mào và tích tím tái; xuất huyết dưới da, đặc biệt ở những chỗ da không có lông; tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh; ở những con đang đẻ, năng suất trứng giảm rõ rệt, có trường hợp đẻ trứng không có vỏ.

3. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh

- Mọi người dân hãy nêu cao tinh thần giám sát, phát hiện, đấu tranh, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc vào tiêu thụ.

- Không kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm sống.

- Người tiêu dùng chỉ mua sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm soát thú y để làm thực phẩm;

- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cán bộ thú y cơ sở;

- Thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chợ, nơi buôn bán, phương tiện vận chuyển sản phẩm gia cầm và môi trường có liên quan đến sản phẩm gia cầm bằng hóa chất thường xuyên, định kỳ theo quy định.

- Người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng dịch là chính, áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi, thực hành chăn nuôi tốt, bổ sung khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Để chủ động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm từ  sang người, đề nghị mọi người thực hiện tốt các biện pháp sau đây:

- Dọn dẹp nhà cửa thông thoáng để không khí lưu thông dễ dàng.

- Lau sàn nhà hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường.

- Không ăn tiết canh gia cầm, gia súc hoặc động vật hoang dại;

- Không giết mổ, ăn thịt, gia cầm bệnh, chết. Thông báo ngay cho Thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý đúng chuyên môn.

- Không bán chạy đàn gia cầm khi phát hiện có gia cầm bệnh, chết trong đàn. Thông báo ngay cho Thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý đúng chuyên môn.

- Không mua gia cầm không rõ nguồn gốc, không ăn trứng, thịt gia cầm khi chưa nấu chín hoàn toàn.

- Nuôi gia cầm xa nơi ở và vệ sinh chuồng trại 1 lần/ tuần với vôi bột hoặc phun dung dịch Cloramin. Không nên tiếp xúc với gia cầm khi không cần thiết. (Không có gì bảo đảm gia cầm nào là an toàn khi chưa qua kiểm dịch nên không được chủ quan).

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với gia cầm, hạn chế tiếp xúc với gia cầm bệnh và chết.

- Khi mắc bệnh cảm cúm, nếu thấy đau ngực, khó thở cần đến ngay bệnh viện để khám và chữa bệnh sớm.

- Những người thường xuyên tiếp xúc với gia cầm, đi du lịch những vùng có dịch cúm gia cầm về phải quan tâm chú ý khi có hiện tượng sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay bệnh viện để khám và chữa bệnh sớm. Những người có tiếp xúc với người bệnh này phải tự nguyện khai báo để được theo dõi và thực hiện phòng chống dịch./.

Như vậy cả 02 loại virút cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9) đều có nguồn gốc mầm bệnh từ gia cầm, hiện nay bệnh cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9) chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho người, bệnh tiến triển rất nhanh, nguy hiểm khó lường, tỉ lệ tử vong cao. Do đó việc các cá nhân tự thực hiện các biện pháp phòng bệnh vẫn là chủ lực trong giai đoạn hiện nay.

 

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 53504

Trực tuyến: 2

Hôm nay: 156