1. Đặc điểm của vi rút cúm gia cầm
- Vi rút có thể sống trong phân gia cầm, nước, đất... từ 2 đến 4 tuần.
- Vi rút chết ở 70 độ C trở lên.
- Vi rút gây bệnh có thể sống trong nhiệt độ lạnh (tủ lạnh, tủ đá) hàng tháng.
2. Gia cầm bị lây nhiễm cúm như thế nào?
2.1 Lây trực tiếp thông qua tiếp xúc với
Gia cầm mắc bệnh, chết khi nhốt chung một chuồng hay thả cùng sân; tiếp xúc với chim hoang dã đã bị nhiễm bệnh.
2.2 Lây gián tiếp
- Tiếp xúc trực tiếp với phân, chất độn chuồng (rơm, rạ, trấu...) làm cho lông gia cầm bị nhiễm vi rút.
- Tiếp xúc với giầy dép, quần áo, dụng cụ (cuốc, xẻng, lồng, sọt đựng trứng...), phương tiện (lốp xe máy, ô tô...) bị nhiễm vi rút do con người sử dụng mang từ nơi có bệnh về.
- Gia cầm có thể nhiễm bệnh từ gia cầm mới mua về từ các vùng khác có dịch.
- Chim hoang dã bị nhiễm vi rút cúm có thể truyền vi rút sang gia cầm thông qua lông, phân... của chúng rơi xuống ao, hồ, chuồng trại.
- Thức ăn bị nhiễm vi rút.
3. Những triệu chứng thường gặp khi gia cầm bị cúm:
- Gia cầm chết đột ngột, hàng loạt không có biểu hiện triệu chứng.
- Hoặc gia cầm có thể có một số triệu chứng sau:
+ Chảy nước mắt, nước dãi, đứng tụm với nhau, lông xù, uể oải, ít đi lại, đầu gật gù, gục xuống đất, biếng ăn.
+ Khó thở.
+ Mào, tích tím tái, phù và có thể có điểm xuất huyết.
+ Xuất huyết ở những chỗ da không có lông, đặc biệt là chân.
+ Gà mái giảm đẻ, đẻ trứng non.
+ Ỉa chảy.
+Biểu hiện thần kinh như: xù lông, vẹo cổ...
+ Khi mổ khám gia cầm thấy: xoang bụng tích nước hoặc viêm dính; xuất huyết trên bề mặt các cơ và các cơ quan nội tạng, đặc biệt là ở dạ dày tuyến và ruột; xoang mũi và khí quản xuất huyết, chứa đầy dịch nhầy.
4. Biện pháp phòng chống
Cúm gia cầm có thể ngăn ngừa được. Để bảo vệ an toàn đàn gia cầm, chỉ cần thực hiện những thói quen tốt sau đây:
- Không nuôi chung nhiều loại gia cầm
- Chỉ mua gia cầm ở những cơ sở giống có nguồn gốc rõ ràng, chọn những con khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, thực hiện nuôi nhốt cách ly ít nhất 2 tuần.
- Định kỳ vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn bằng các loại hóa chất như: BTV – Iodine hoặc BTV – Glutar, Chloramin và vôi bột.
- Phân, chất độn chuồng cần được thu gom và ủ với vôi bột trước khi sử dụng.
- Trước cửa chuồng hoặc cổng ra, vào khu chăn nuôi phải có hố sát trùng. Không cho người và các động vật khác vào khu vực chăn nuôi.
- Cho gia cầm ăn đủ khẩu phần ăn, thức ăn phải đảm bảo chất lượng, đủ thành phần dinh dưỡng. Không sử dụng thức ăn không rõ nguồn gốc, thức ăn mang từ các trại gia cầm khác đến.
- Bổ sung các loại khoáng chất, vitamin, các chất điện giải chống mất nước và chống stress. Dùng Kháng thể E.Coli gia cầm dạng bột mịn để phòng bệnh và nâng cao sức đề kháng. Cung cấp nước uống sạch trong suốt quá trình chăn nuôi. Vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày.
- Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn gia cầm, cách ly những gia cầm gầy yếu để chăm sóc, nuôi dưỡng theo chế độ riêng. Có chuồng nhốt riêng những gia cầm ốm do các bệnh khác (không phải cúm gia cầm) để điều trị.
- Báo cáo nhân viên thú y xã, chính quyền địa phương khi có hiện tượng gia cầm ốm, chết nghi cúm gia cầm hoặc không rõ nguyên nhân.
5. Khi có dịch cúm gia cầm trong vùng ta phải làm như sau:
- Phải báo cáo ngay cho trưởng thôn, cán bộ thú y khi có gia cầm ốm, chết.
- Không vứt xác gia cầm bừa bãi.
- Xử lý gia cầm chết theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
- Tiêu độc, khử trùng chuồng trại và các phương tiện vận chuyển bằng CloraminB,vôi bột.
- Vệ sinh sạch sẽ giầy, dép, dụng cụ chăn nuôi, lốp xe, bánh xe khi đi ra khỏi nơi nuôi nhốt gia cầm.
- Rửa tay bằng xà phòng và thay quần áo sau khi tiếp xúc với gia cầm.
- Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin cho gia cầm đặc biệt là tiêm phòng vaccine cúm gia cầm. Tiêm vaccin phòng cúm cho gia cầm nhằm làm giảm nguy cơ mắc bệnh cho đàn gia cầm và cho người, nhưng được thực hiện đồng thời với các biện pháp phòng chống khác như đã nói ở trên.