Trang Thông tin điện tử

Thị trấn Bình Minh - Huyện Kim Sơn

Chủ nhật, 22/12/2024

Tuyệt chiêu ‘4 không 2 phải’ đối phó với tội phạm lừa đảo qua mạng

Thứ ba, 14/05/2024

      Theo thống kê của Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin và truyền thông mới đây cho thấy một con số giật mình về số tiền của các nạn nhân đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt – hơn 26 triệu USD, và Việt Nam thuộc một trong các quốc gia đứng đầu về số tiền bị chiếm đoạt bởi đối tượng lừa đảo.

      Tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn về tài sản, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, thay đổi muôn hình vạn trạng. Từ nhận nhiệm vụ hưởng hoa hồng, mạo danh cơ quan tư pháp đến đồng bộ dữ liệu dân cư đều được các đối tượng lừa đảo sử dụng.

      Điển hình như mới đây, Cơ quan CSĐT - CAH Quốc Oai, Hà Nội đang thụ lý vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo đơn trình báo của anh L, trú trên địa bàn huyện. Theo trình báo của anh L, anh có nhận được lời mời làm cộng tác viên với nhiệm vụ hưởng tiền hoa hồng cho gian hàng online. Khi đặt lệnh làm nhiệm vụ tăng tương tác cho sàn, anh L sẽ được hưởng hoa hồng 10%.

Làm nhiệm vụ hưởng hoa hồng, thủ đoạn cũ nhưng vẫn nhiều người mắc

Làm nhiệm vụ hưởng hoa hồng, thủ đoạn cũ nhưng vẫn nhiều người mắc

      Theo yêu cầu của đối tượng, anh L đã chuyển khoản 314 triệu đồng để làm nhiệm vụ nhưng anh không nhận được tiền gốc cũng như tiền hoa hồng. Lúc này anh L mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

      Chị T trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội nhận được cuộc gọi của số điện thoại lạ tự xưng là cán bộ Công an thị xã Sơn Tây thông báo chị T chưa đồng bộ dữ liệu dân cư cần cập nhật trong hệ thống. Các đối tượng hướng dẫn chị cập nhật thông tin mà không cần tới trụ sở và gửi link truy cập, chụp CCCD, gọi video call để nhận diện khuôn mặt. Một ngày sau đó, chị T phát hiện tài khoản ngân hàng bị trừ 600 triệu đồng.

      “Cơ quan công an đã khuyến cáo nhiều thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo và cũng đã được in thành tờ rơi, phát trực tiếp, dán tại nơi dễ thấy và qua các kênh thông tin mạng xã hội nhưng không hiểu sao vẫn có người mắc bẫy” – Thượng tá Phạm Khắc Hà, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội nhìn nhận.

 

Hình ảnh tuyên truyền "4 không 2 phải" của lực lượng công an cơ sở cung cấp cho người dân

Hình ảnh tuyên truyền "4 không 2 phải" của lực lượng công an cơ sở cung cấp cho người dân

      Chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm khuyến cáo, nếu không phải là Cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn liên hệ, thông báo thì tất cả các cuộc gọi tự xưng là công an yêu cầu làm theo hướng dẫn đều là lừa đảo.

      Mới đây, để tiếp tục tăng cường phòng ngừa xã hội, cơ quan Công an đã đưa ra khẩu hiệu "4 không, 2 phải” đề nghị người dân ghi nhớ, thực hiện tốt.

      Theo đó, 4 không gồm “không sợ, không tham, không kết bạn với người lạ và không chuyển khoản”; 2 phải là “phải thường xuyên cảnh giác; phải liên hệ với Công an khi có nghi ngờ”.

      Phân tích rõ nội dung 4 không, cơ quan công an cho rằng, ở nội dung không sợ, người dân không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân, thông báo có liên quan đến các vụ việc, vụ án…

      Không tham là không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”...

      Không kết bạn với người lạ là khi có người lạ mặt trên mạng xã hội kết bạn làm quen, mời tham gia các hội nhóm mà không rõ là ai, mục đích thì không nên kết bạn, bắt chuyện, tham gia; không được cung cấp các thông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng.

      Và cuối cùng không chuyển khoản: Khi các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền hay làm một số việc thì tuyệt đối không được làm theo.

      Một trong những yếu tố quan trọng để người dân tránh được lừa đảo công nghệ cao là phải thường xuyên cảnh giác; chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: Thông tin thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội...

     Và điều phải thứ 2 là phải tố giác ngay với cơ quan công an khi có nghi ngờ. Theo đó, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở khẳng định nội dung thì các cá nhân phải báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý.

Nguồn: Anninhthudo

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 88676

Trực tuyến: 55

Hôm nay: 209